Ăn Tết Xưa, Ăn Tết Nay.
Bữa nay là hăm tám tháng
chạp Quý Tỵ. Vài ngày nữa thì sang năm mới Giáp Ngọ. Trong nỗi niềm của kẻ sống
ly hương, tui ghi lại những ngày Tết xa xưa nơi quê nhà và Tết tha hương trên
xứ người như nén hương lòng tưởng nhớ song thân.
Một
Tui vốn người nam kỳ tỏng. Má tui xuất thân con gái
miệt vườn. Do đó mà anh chị em tui tuy sanh đẻ và lớn lên tại thành thị,
nhưng lại rất quen thuộc với nếp sống nhà quê của má tui.
Tết
đối với má tui có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhất cử nhất động đều tin và
làm y theo những gì bà được dạy dỗ từ thưở nhỏ. Mọi tập tục đời xưa truyền lại dường như đã khắc sâu trong tim óc
của bà.
Sau ngày rằm tháng chạp âm lịch là má tui coi như Tết
tới bên đít rồi. Phải lo lặt lá mai và tưới nước sao cho kịp nở hoa vàng đầy
cây vào ngày mồng một Tết. Bánh mứt đã được
lo làm lai rai từ đầu tháng chạp. Ra công sức gò sao không những khéo mà còn
phải ngon để cúng kiến ba ngày Tết. Bên cạnh đó là làm dưa chua được tỉa hình
hoa lá đủ màu sắc; dưa món; dưa kiệu; dưa tỏi; dưa tai heo; gói nem; gói chả
đầu heo; trộn bì; làm bao tử heo dồn thịt; phá lấu đồ khìa, v.v…tức là
những món ăn chơi và những món ăn kèm có thể thong thả làm trước Tết vài tuần.
Những ngày cận Tết thì lo các món chánh: nào là dưa
giá phải dòn như cốm và trắng trong; nào là nồi thịt kho hột vịt mà phần thịt tuy
kho rệu mềm nhưng phải còn nguyên cục vuông vắn, da dẽ trứng vịt thì mịn màng
không bị "rỗ", thấm đều một màu, không được bên đậm bên lợt, nước thịt
kho hoàn toàn không vẫn cặn, óng ánh một màu vàng hổ phách. Qua đến nồi canh hủ
qua hầm với chả cá thác lác. Những trái hủ qua vỏ xanh biếc, ruột dồn đầy ắp chả
cá thác lác trắng ngần thả lững trong nước canh trong khe đóng váng chút mở
vàng. Chưa hết đâu, còn nồi "giả xà bần" độc đáo của má tui nữa.
Thông thường xà bần là một món do các món ăn dư bỏ chung vào nấu lại. Nhưng ở
đây má tui lại đặc biệt chọn lựa những món ba tui ưa thích, đem đi nấu hay khìa
riêng rẻ từng món, cuối cùng cẩn thận nấu chung lại giả như nấu xà bần. Mùi
thơm độc đáo của món ăn này chỉ có khi được ráp nấu theo một thứ tự trước sau nhất định
theo kinh nghiệm, nếu không thì nó sẽ không ra cái gì hết và có thể còn không
muốn ăn luôn. Má tui cũng không quên món
phạc xi ớt, hủ qua và bông bí chiên vàng
ánh và tưới lên một lớp sốt cay cay mà ngày Tết nhà ông Ngoại tui không bao giờ
thiếu. Tui rất ghiền món này của má tui, chắc là do ông Ngoại di truyền. Ôi má
tui làm muôn thứ muôn kiểu muôn màu để bày biện cho ngày Tết.
Một món chánh khác rất quan trọng trong ngày Tết của người
miền Nam là bánh tét. Má tui không nấu bánh đêm ba mươi như người ta mà cỡ hăm
tám hay hăm chín là bà đã gói và nấu xong. Vật liệu gói bánh được chuẩn bị
trước và bày đầy trên một bộ ván
rộng, chung quanh chỗ má tui ngồi: nào lá chuối, nếp, nào
đậu xanh, thịt mở. Riêng dây lát thì bà móc ở ngón chân cái. Má tui thoăn thoắt
xếp ngay ngắn vài lớp lá chuối. bà đong
nếp vả trải ngay ngắn lớp nếp đầu tiên lên lá. Chiều dài và ngang tuỳ theo ý
muốn đòn bánh lớn cỡ nào; tiếp theo lường đậu xanh chồng lên lớp nếp; xếp mở vào
giữa; lại thêm một lớp đậu và cuối cùng đong nếp phủ lên trên. Bà gọn gàng cuốn
tròn lá, cột sơ rồi gióng và vỗ bánh đều nếp; cập lá bịt hai đầu kỷ lưỡng; cột sơ
dây giữ hình dạng cho đòn bánh. Cuối cùng là giao qua cho người khác quấn nuột
dây chung quanh: quấn hai lần dây lát và xoắn tròn như gút chớ không cột thắt
gút. Phần dây lát dư sẽ xếp chồng lên nhau tết thành sợi dây dài và cứ hai đòn
bánh cột chung thành một cặp như "vợ và chồng". Phần dây này còn giúp
để trở bánh, vớt bánh và treo bánh. Tui còn nhớ, không phải ai má tui cũng giao
cho nuột dây bánh tét vì bà nói quấn lỏng bánh sẽ nhão mà quấn chặt quá thì
bánh bị nín (tức là nếp không nở). Khi bỏ bánh vào nồi luộc bà đuổi những đứa
"lì lợm" (trong đó có tui) phải đi chỗ khác, không được dòm ngó vì tin
rằng chúng tui sẽ làm cho bánh cũng "lì" theo mà không chín !!!. Sau
khi bánh chín, vớt ra để nằm trên bàn
vài tiếng đồng hồ cho dẽ dặt. Khi bánh nguội hẳn rồi thì treo thành hàng dài
sau hè bếp cho thoáng gió.
Hang ngày, trong thời gian này nhà tui nhộn nhịp từ tờ
mờ sáng (Má tui quen theo nếp sống ở vườn, ngày của bà bắt đầu từ 3,4 giờ sáng).
Các người giúp việc nhà làm không hở tay. Má tui luôn nói "mấy ngày đầu năm quan trọng lắm, cái gì cũng phải thiệt là hạng
nhứt thì mới hên cho cả năm", và không quên nhắc chị em tui là "làm dâu chỉ có mấy ngày tư ngày tết
này và các đám giỗ, làm không nên thân thì coi như không yên với nhà chồng nhen
connnn". Má tui kéo chữ con dài ngoằng nghe mà ngán luôn!
Đồ ăn mặn và đồ ăn chay đều được tươm tất chuẩn bị chu
đáo như nhau. Nấu đồ chay thì còn công phu hơn nấu đồ mặn nhiều. Từ chả tà hủ
ky đến mắm chay, rồi cà ri nước dừa, chả chưng chay, gỏi, canh chua, nấm đông
cô hấp cải xanh, bì chay, chả giò chay, khóm kho nấm rơm và tà hủ, v.v… Làm sao
làm, miễn các mâm cơm cúng chay hay mặn đều có màu sắc rực rỡ, thịnh soạn, đẹp
mắt và ngon miệng Ông Bà là coi như sẽ được an lạc cho cả năm!
Tui vẫn chưa quên "quẻ
bói đầu năm" của má tui. Hể bà xẻ trái dưa hấu để cúng ngày mồng một mà đỏ
thẩm và kế tiếp khi bà dở diệm dưa giá mà diệm dưa tươi trong dòn rụm, chua
ngọt vừa miệng là coi như năm mới của cả nhà ngon lành may mắn. Má tui tin
rằng, diệm dưa giá đầu năm mà nổi bọt hay trái dưa hấu xẻ ra tái mét thì coi
như nguyên năm đổ trọn xuống cống! Vì vậy cặp dưa xẻ cúng đầu năm này bà bằng lòng
trả cao giá, miễn là người chủ sạp bán trái cây quen mà bà tin cậy vốn là người
giàu kinh nghiệm và "bao" cho bà. Bà đích thân làm diệm dưa giá chứ
không giao cho ai. Tui còn nhớ má tui làm dưa giá với nước vo cơm, không làm kiểu
bốp xổi như tui làm bây giờ và để cả tháng không hư, vẫn dòn và chua rất dịu,
rất ngon.
Phần hương đăng hoa quả các bàn thờ và chưng hoa trong
nhà là phận sự của chị hai tui. Chị rất có khiếu mỹ thuật và kiên nhẫn chăm
chút từng chi tiết nhỏ nên rất được má tui tin tưởng và vừa ý. Các bàn thờ Phật
và Ông Bà sáng rực màu hoa lay ơn tươi
thắm và đương nhiên trên dĩa ngủ quả không được thiếu một chùm trái sung và cặp
dưa hấu lớn, xanh om nắm chễm chệ hai bên.
Chuyện đi chơi Tết ở chợ Bến Thành và chợ hoa Nguyễn
Huệ cũng là một phần quan trọng trong cái chuyện ăn tết của má tui. Qua hăm ba,
mỗi tối sau khi cơm nước xong là bà cho
mọi người trong nhà đi chơi chợ Tết, tuỳ ý thích. Nhưng mua hoa tết để đơm thêm
cạnh các cội mai già cho sân nhà thêm rực rỡ thì má tui đặc biệt chỉ lưa mua tại các vựa cây quen vào ban ngày ban mặt, bà
nói như vậy mới chắc ăn, hoa nở sai và dai hơn là mua tại chợ hoa Nguyễn Huệ .
Hai
Tuy nhà võn vẹn chỉ có 3 mạng, nhưng bao năm nay ở xứ
người, năm nào tui cũng hì hục "ăn tết". Vợ chồng tui bảnh lắm, lấy luôn bốn ngày, nghĩ một
lèo để ăn Tết. Tui cố gắng gìn giữ và duy trì những tập
tục cổ truyền của ông bà. Một phần để ấm lòng kẻ tha hương, một phần để dạy cho
con tui cái hay và cái đẹp truyền thống của văn hoá Việt Nam mình. Ngày hôm nay
tui chịu cảnh ly hương vì mất nước nhưng tiếng mẹ đẻ và văn hóa đạo đức truyền
thống tui quyết định gìn giữ và cố gắng truyền lại cho con cháu.
Ở cái xứ khỉ ho cò gáy này, tất cả những gì thuộc về bếp núc cổ truyền thì tui phải tự gồng lên mà
sản xuất. Trước cúng ông bà, sau thì cả nhà "nhậu" với nhau.
Khi còn sinh tiền, má tui thường qua ăn tết với tụi
tui. Năm nào bà cũng xuất tiền "già" của mình mua một dĩa ngũ quả to và
một bó hoa rực rỡ, gọi là "lì xì lộc" , lấy hên đầu năm cho vợ chồng
tui.
Đến chuyện bếp núc thì bà "ngao ngán" nhìn tui nấu các món ăn cổ truyền theo "kỹ
thuật" đời nay: thí dụ xào sơ nếp trước khi gói bánh tét vì sẽ dễ gói, nấu
bánh với nồi nấu áp xuất cho mau. (Tui không chịu làm theo sách vỡ: gói nếp
sống và nấu bánh tự nhiên khoảng vài tiếng đồng hồ cho nếp chín từ từ và ra nhựa), nhân đậu xanh
nấu vừa mềm thì xay nhuyễn bằng máy Moulinex (thay vì xôi đậu cho thật là mềm
rồi đánh bong lên với đũa bếp), muốn nước thịt kho trong thì lượt vải mùng ( không
chịu kho riu riu và canh vớt bọt). Hầu như các phương pháp làm bếp má tui dạy,
tui đều suy nghĩ cách áp dụng theo "kỷ thuật tân tiến" đời nay để làm
cho nhanh và gọn. Má tui tuy không thích "cách nấu ba bảy hăm mốt này" nhưng
chắc cũng thông cảm vì bà thấy tui, vừa quán xuyến gia đình, vừa lo công việc
làm, tất bật cả ngày.
Tết "tha hương" của tui bắt đầu khi đưa ông Táo
về trời vào ngày hăm ba tháng chạp ta. Bận bịu gì tui cũng rán nấu nồi chè xôi
nước y chang theo sách vở của má tui để chắc ăn thành công ,khéo và ngon để hối
lộ ông. Viên chè sóng sánh trong nước đường thốt lốt thắng với gừng. Trên mặt
chén chè chan chút nước cốt dừa và rắc ít
mè rang. Đây là một trong những món tủ của má tui. Nồi chè để cả tuần dù
không hâm nóng vẫn mềm tự nhiên. Khi cắn viên chè, phần vỏ bột nếp quyện tròn
phần nhân đậu xanh, thật thau và thật dẻo, không bời rời nhão nhẹt và dính
răng. Tui thiệt tình chịu phép bó tay,
chưa nghĩ ra cách tân tiến giản dị nào để nấu nồi chè xôi nước nhanh, gọn, lẹ
mà ngon
y như của má tui dạy.
Nồi chè xôi nước "gia truyền" đưa ông Táo
Đưa ông táo xong thì tui bương đi các tiệm hoa tìm mua cho bằng được vài cành hoa Forsythia. Đem về ngâm ngay vào nước ấm và nhờ lò sưởi sẽ ép
nó có kịp hoa vàng năm cánh. Như vậy Tết của tui sẽ có chút hương vị mai dù là "mai dỡm". Ở cái xứ này,
Tết âm lịch rơi vào mùa đông, tuyết rơi
trắng đường. Hoa
trái tươi rói là một xa xỉ phẩm giữa cái mùa lạnh cóng này. Vừa mắc mỏ lại vừa
hiếm hoi. Nhưng … vô Tết rồi nhen, má tui kỵ nghe than vãn vì " nó không có may con à, một năm Tết
một lần, phải tươm tất cho tràn đầy sinh khí và may mắn", lúc nào má
tui cũng căn dặn như vậy.
Hoa "mai Forsythia" tết
tha hương
Bàn thờ Phật và Ông Bà
được dọn dẹp lau chùi cẩn thận. Chồng tui lãnh phận sự chùi sáng các lư hương và các cặp
chưng đèn bằng đồng. Sau đó là lên các cặp đèn cầy mới tinh để chuẩn bị cúng Giao
Thừa. Phần tui thì lo chọn lựa hoa quả bày biện sao cho tươi thắm rực rỡ. Trưa ngày
ba mươi tui nấu mâm cơm chay đón ông bà, chiều tối lại thì nấu chút chè nhãn
nhục hột sen rước ông Táo về lại nhà. Vừa đốt nhang tui vừa thầm hỏi han ông
coi hổm rày lên trời đi chơi những nơi đâu? Sau đó thì nhẹ giọng nhắc ông "nhớ
phù hộ tụi con năm mới bình an vui vẻ nhen ông Táo!"
Rồi thì vợ chồng con cái ngồi chờ đón Giao Thừa. Gần
tới Giao Thừa, vặn tất cả đèn để mọi nơi trong nhà đều sáng choang. (Má tui dạy
làm như vậy thì mọi việc sẽ sáng sủa hanh thông). Trên bàn thờ Phật và Ông Bà cặp
đèn cầy lung linh cháy quyện với mùi nhang trầm thơm ngát, hoa quả khoe sắc
thắm, bánh mứt mừng Tết được đơm đầy dĩa cầu mong hưng thịnh sung túc trong năm
mới. Lòng tui thật nôn nao xao động trong
cái trang nghiêm của giây phút thiêng liêng bước sang thềm năm mới, cái cảm
giác của một thưở xa xưa tại quê nhà.
Để giữ gìn tục lệ xông đất, nhưng lại muốn tự lực cánh
sinh mang cái vận mạng của mình cho chính mình, vợ chồng tui "nai nịch,
trùm mền" kỹ lưỡng và bước ra khỏi nhà trước khi Xuân sang, chờ qua Giao Thừa
vài phút thì hùng dũng tự xông đất nhà mình, chúc mừng nhau năm mới, thắp
nhang lễ Phật và Ông Bà, rồi đốt phong pháo "CD" mừng Xuân ( vốn đã
lựa sẵn một chương trình ca nhạc mừng Xuân có đốt pháo chỉ cần bấm ON là "pháo
Xuân nổ" vang rền). Cả nhà ngối quây quần, uống ly trà nóng, ăn vài miếng
bánh mứt ngọt, nói khào chút chuyện vui… rồi đi ngủ. Gia đình tui bước sang năm
mới trên quê người thật bình an. Sự bình an trong tâm tư kẻ ly hương luôn mơ
sống lại một chút hương vị thanh bình ngày cũ.
Cúng chè đón Giao Thừa
Ngày đầu năm, mồng một Tết, chuyện đầu tiên khi mở mắt
là chúc Tết người thương đang nẳm kế bên mình. Vợ chồng nắm tay nhau mà nói…"năm mới vui vẻ, mạnh giỏi may mắn
nhen". Ở cái tuổi này, còn mong cái gì hơn chuyện mạnh giỏi và bình
an?
Sau đó vợ chồng tốc dậy, cùng xuống bếp chung tay lo nấu
mâm cơm đầu năm cho tươm tất, thịnh soạn để cúng Ông Bà. Trên nhà trên, thằng con soạn chén dĩa mới lo
dọn bàn chuẩn bị cúng: bày lư hương, chân đèn, đặt ba chung trà, ba cái chén, một
đôi đũa chánh và hai chiếc đũa chèo trở ngược đầu, ba cái muỗng, ly nước súc
miệng và cuối cùng là lo nấu bình nước trà sen thơm ngon. Tui huấn luyện kỹ vì anh
chàng là cháu đích tôn.
Theo thông lệ "gia truyền", mồng một đầu năm
mời Ông Bà ăn chay, mồng hai thì cúng mặn và mồng ba cúng tất con gà luộc,
nhưng tui không cách gì có được một con gà còn mồng mão ngon lành như vậy. Cho
nên, ở đâu quen đó, xứ này có gà gì thì luộc cúng Ông Bà như vậy.
Trở lại mồng một, sau khi vái lạy và châm đủ ba tuần trà thì lui nhang đèn và
cả nhà ăn bữa cơm đầu năm hưởng lộc của Ông Bà. Sau đó là giây phút hạnh phúc
của mẹ con tui: " lì xì ". Cứ theo lệ, lớn lì xì nhỏ. Chồng tui "lãnh
đủ", một bao cho vợ và một bao cho con. Tui thì không lạy mừng tuổi chồng
mà ngang tàng ra tay "cướp giật". Con tui thì khác, phải lạy mừng
tuổi ba má hai lạy. Sau đó chàng ta cười toe nhận cái bao đỏ của ba nó (dày hay
mỏng tùy lòng hào tâm của khổ chủ, má nó chỉ ké tên chứ không hùn vô cái ruột
của bao!).
Lạy mừng tuổi lì xì lấy hên năm mới
Tiếp theo là cả nhà vội vàng khởi hành đi Chùa Viên
Giác lễ Phật đầu năm. Chùa nằm tại Hannover, cách nhà cũng gần 200 km. Đến Chùa
Viên Giác lại càng nhớ những ngày Tết
năm xưa tại quê nhà da diết. Nhớ ngôi chùa Xá Lợi mà tui quen thuộc từ thưở năm
sáu tuổi. Chùa thơm ngào ngạt mùi trầm hương trong đêm Giao Thừa. Năm nào cũng vậy,
sau khi đốt pháo và cúng kiến Giao Thừa ở nhà xong thì cả
nhà cùng đến Chùa Xá Lợi lạy Phật. Má tui tin tưởng rằng đầu năm xuất
hành đi Chùa là bình an cả năm. Có Phật
trong tâm, không nghiệp chướng nào có thể ảnh hưởng người con Phật. Nhớ lời bà
dạy nên tui cũng theo lệ đó.
Chánh điện Chùa Viên Giác ngày đầu năm thật đông đảo,
nhưng lòng tui vô cùng thanh tịnh, một lòng thành tâm chiêm ngưỡng tôn tượng uy nghi đầy nét Từ Bi của Đức Thế
Tôn và chư Phật . Dường như tui nhận
được ánh hào quang của các Ngài đang toả ấm và soi sáng tâm linh mình. Tui bước
vào năm mới với tất cả an lạc và hoà nhập trong ánh sáng từ bi thiêng liêng đó.
Tui đảnh lễ chư Phật và chư Bồ Tát, nguyện
người người nơi nơi an vui lạc nghiệp trong
năm mới và nguyện mình một lòng giữ vững
niềm tin nơi Chánh Pháp cầu đạo Bồ Đề, có đủ Trí Tuệ và sức mạnh Tâm Linh để
vươt qua mọi Chướng Duyên trong năm mới..
Chánh điện chùa Viên Giác (Hannover) ngày Tết
Khi từ Chùa về tới nhà thì trời đã tối. Cả nhà rủ nhau
gầy sòng để đoán vận mạng trong năm. Chỉ có ba mạng nhưng cũng bày biện cho xôm tụ ba
ngày Tết. Ăn thua vài đồng bạc, không vô túi má thì lạc vào túi ba và cuối cùng
thì có khi thằng con hốt trọn. Ậy không sao, tui an ủi mình là đầu năm đen bạc
thì đỏ tình, hên chuyện khác. Còn thằng con thì đầu năm đã may như vậy coi như
may nguyên năm. Ăn hay Thua, kiểu nào
cũng có lời bàn có hậu của Mao Tôn Cương cả.
Ngày mồng hai, lại bày biện cúng kiến. Í chà thằng con
tui hôm nay sáng mắt. Các món cổ truyền ngày Tết chính là các món khoái khẩu
của anh ta. Hổm nay chay sòng suốt ba bữa (hăm chín, ba mươi, mồng một), nay
được "xả cảng mở giới nghiêm" thì còn phải nói! Thôi thì ê hề không thiếu thứ chi, từ món ăn
chơi tới món ăn thiệt. (Là Phật Tử nhưng lòng trần chưa dứt đoạn, ngày chay vẫn
giữ nhưng ngày mặn vẫn còn "thương". Bởi nhận biết con đường Tu lắm
gian nan, tui luôn kính cẩn bái phục những bậc cắt ái ly gia, nương dưới mái
Chùa, tầm đạo Bồ Đề. Phải sống một ngày tu tập Bát Quan Trai Giới mới biết ai
nghiệp dày đức mỏng, ai là người có duyên cùng Đạo).
Cúng Ông Bà mồng hai Tết
Từ mờ sáng mồng ba, hàng năm, vợ chồng tui cố gắng trở
lại Chùa Viên Giác để tụng kinh Pháp Hoa. Đạo tràng Pháp Hoa năm nào cũng thật
đông và vô cùng nghiêm trang. Điều này chứng tỏ Đạo Pháp vẫn còn trường tồn nơi đây. Một lần nữa,
trong năm mới ánh sáng Bi, Trí, Dũng lại soi sáng cái vô minh nơi tui. Hườn
kinh xong và lái xe từ Chùa về đến nhà thì trời đã tối.
Đạo tràng tụng kinh Pháp Hoa mồng ba tết hàng năm tại chùa Viên Giác
(Hannover)
Ngày mồng ba trôi đi trong nỗi ngậm ngùi. Lại thêm một
cái tết tha hương. Bình hoa Forsythien vẫn rực rỡ vàng, nhưng làm sao bằng một
nhánh mai Xuân nở tại quê nhà!
28.01.2014
hăm tám tháng chạp Quý Tỵ
lê ngọc tuý hương