Sunday, December 26, 2010

ĐOẢN VĂN LNTH : Độc thoại đêm Giáng Sinh



          Độc thoại đêm Giáng Sinh

Kính dâng  chư vị Bổn Sư : Cố HT Thích Huệ Quang và HT Thích Như  Điển                
Kính dâng hương linh song thân Huệ Đức và Huệ Lộc và chị Huệ Quới

Những suy nghĩ và băn khoăn của chính người viết, hoàn toàn không có mục đích  tranh luận.                                                                                                                                                                                                                                                                                 
LNTH



Nhân đọc bài giảng về chữ Xả của HT Thích Thanh Từ, trong lòng tôi dấy lên những suy nghĩ và thấy mình cần viết xuống, viết ngay những suy nghĩ của mình như để vấn lại lòng mình.
Là một  Phật tử, tôi cố gắng hành theo lời Phật dạy, nhưng tôi vốn phước mỏng, nghiệp dày, đường Tu thật còn lắm vụng về nên chìm đắm mãi trong vô minh.
TU tức là sửa mình, mong bỏ được bến Mê, bước lên bờ Giác. Vốn biết tam độc Tham-Sân-Si  cần Giới-Định-Huệ để khắc phục, nhưng còn lăn lộn trong cõi ngũ trược, dễ chi mà tránh ???  Con đường đi vốn dài lâu, trong nhiều muôn nghìn kiếp.  Mình hiện vốn như một ly nước nhiễm bùn, đục ngầu.  Như vậy thì mỗi kiếp,  cần xám hối tu tập, gieo duyên lành  để các cặn bã của những chủng tử ác nghiệp dần lắng xuống,  hầu đến một lúc nào đó đạt được mục đích.
Những thói quen, tập tục của tín ngưỡng  mà tôi  vẫn hành trì từ nhỏ, bây giờ có chút kiến thức, tôi cố gắng tìm hiểu cặn kẽ hơn cái chân lý mà đức Thế Tôn dạy bảo, không mù quáng đến độ lắm khi như là một sự Mê Tín Dị Đoan. Theo tôi tin và hiểu, đạo Phật KHÔNG phải là một Đạo cầu xin, mà thực sự là một đạo giúp ta giải thoát khỏi những đau khổ và hoàn toàn hợp với Khoa Học thực nghiệm.
 
The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend personal God and avoid dogma and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense arising from the experience of all things natural and spiritual as a meaningful unity. Buddhism answers this description. If there is anyreligion that could cope with modern scientific needs it would be Buddhism. (Albert Einstein)
Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ.  Tôn giáo ấy phải vượt lên Thượng đế của cá nhân và tránh giáo điều cùng lý thuyết.thần học.  Bao trùm cả tự nhiên và tâm linh, nó phải được căn cứ trên cảm nhận phát sinh từ kinh nghiệm của tất cả mọi thứ tự nhiên và tâm linh như một sự hợp nhất đầy đủ ý nghĩa.  Đạo Phật trả lời cho những sự mô tả này.  Nếu có một tôn giáo mà có thể đương đầu với những nhu cầu của khoa học hiện đại đấy sẽ là Đạo Phật.( Albert Einstein) Tuệ Uyển chuyển dịch

Thí dụ, tôi hoàn toàn không tin chuyện xin Xâm; không tin rằng ở nơi đâu đó trên trời có vị Phật đang „ghi sổ“ những điều mà tôi làm để có thể tính „lời lỗ và ban phước lành“ cho tôi, mà tôi chỉ hiểu mọi việc rất đơn giản, như là  tất cả những gì tôi làm tốt cho người , chính là một phương cách rèn luyện tâm từ bi của mình,  tránh không nghĩ những điều ác, làm việc ác để thế giới thêm một chút xíu vui tươi. Chính khi mình làm một việc tốt , mình là người đầu tiên nhận được niềm hạnh phúc.  Hay khi tôi ăn chay, không phải cầu phước mà là chỉ vì lợi ích cho chính tôi. Theo y học,  đời sống của thế kỷ 21 hôm nay, ở những nơi mà nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày trở nên quá dư thừa, thì việc giảm bớt chất thịt là điều tốt cho sức khoẻ, và theo lý Nhân Quả của nhà Phật, ăn chay là tránh tạo nghiệp sát sanh,  ăn chay còn là thực hiện điều hiếu thảo đối với cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp trong tiền kiếp. Ngoài ra tôi cũng không đồng ý những món chay được làm cho thật giống món ăn mặn và dùng những danh kêu của món đồ mặn. Tôi quan niệm rằng nếu Tâm còn động thì thà ăn mặn nhưng làm điều thiện vẫn còn hơn. Có người lý luận là họ không CHẤP, nhưng thử hỏi ai mới bước vào đường TU một  bước đã chứng được tứ thiền hay cao hơn nữa để nói rằng … lòng không động? Tôi nghĩ khởi đầu của TU thì phải Chấp Tướng , phải hành trì  giới luật thật khe khắt , như học trò mới học viết phải thật nắn nót, đến khi đã thành thạo thì viết nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Đã hàng chục năm qua, nhưng trong trí tưởng của tôi không phai mờ những hàng chữ trên tường của giảng đường chùa Xá Lợi (Đường Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, Sàigòn) “Tu mà không Học là Tu mù, Học mà không Tu là đãy sách”.  Ngày đó tôi còn nhỏ lắm, không thể hiểu ý nghĩa câu này,  nhưng không hiểu vì sao tôi lại nhớ nằm lòng.  Bây giờ thì thấm thía vô cùng.
Để có thể hành trì con đường TU một cách thiết thực hơn,  tôi thường nhớ những điều  nhỏ nhoi, căn bản từ các bài Pháp của  Thầy Bổn sư , rồi cố mà hành theo,  từng chút một. Lâu lâu, trắc nghiệm lại mình,  xem có chút tiến bộ nào không?  Sau đây là vài điều “nhỏ“,  nhưng dựa theo đó để Tu thì cho riêng tôi, thật  “lớn“ vô cùng.


1. Sư phụ tôi có lần lấy một tờ giấy trắng, chấm lên đó một chấm màu đen thật nhỏ , và hỏi chúng tôi thấy gì trên tờ giấy này? Cả một lớp tu học Phật Pháp chúng tôi vài mươi vị đều trả lời là thấy một chấm đen !  Sư phụ tôi cười xoà và nói, cái Tâm của chư đạo hữu chưa mở... sao cái chấm đen nhỏ thế mà vẫn thấy còn nguyên cả một tờ giấy lớn trắng tinh không ai để ý.  Thế mới biết con người ta thường CHẤP cái xấu, dù thật nhỏ, và bỏ quên cái tốt dù thật lớn !
Đây là một bài học tôi nhớ đời, và hành trì hàng ngày trong đời sống. Tôi cố gắng nhìn mọi s  kiện, mọi cá nhân từ những lăng kính thật tốt đẹp của họ, thì sau đó tự nhiên những điều làm tôi không vừa ý bỗng dưng thật bé bỏng và tan biến. Nơi tôi dấy lên một cảm giác thật êm đềm.


2. Trong một buổi lễ Vu Lan, sư phụ tôi giảng về  Mẹ. Ngài kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của một người Bà La Môn , vì Tâm cầu đạo,  mong mỏi tìm gặp được đấng giác ngộ. Nhưng vượt bao sộng biển , vẫn không thấy ... thì cuối cùng người ấy thiểu não quay về nhà . Trên đường đi, vị này  gặp một hành khất, người này hỏi ngay là có phải ông ta đang thất vọng vì không gặp người mong đợi ? Sau khi vị Bà La Môn xác nhận thì vị hành khất cho biết ông ta  đã đi đúng hướng và sẽ gặp đấng Giác Ngộ mà bao lâu nay ông ta mong đợi, người này có đặc điểm là mang hai chiếc dép trái ngược nhau. Nói xong thì người Hành Khất bay bổng biến mất. Vị Bà La Môn mừng rỡ và biết do tấm lòng thiết tha cầu Đạo của mình , cảm động được ơn trên nên cho người đến mách bảo. Lòng sung sướng ông rảo bước nhanh tiếp tục đi. Trên suốt con đường đi về, ông ta dõi mắt tìm, nhưng tuyệt nhiên, không gặp một ai có đặc điểm như vị hành khất mách bảo. Cuối cùng ông ta về tới trước cửa nhà của mình. Ông ta hoàn toàn thất vọng và uể oải gọi cửa Mẹ. Ô kìa, người Bà La Môn thấy trước mắt ông ta là người Mẹ già của mình , và bà mẹ đang mang hai chiếc dép trái ngược nhau !!!! Thì ra , bà Mẹ già cả lâu nay ngóng trông con, nghe gọi cửa , quá mừng rỡ, vội vàng chạy mở cửa, hấp tấp nên xỏ đại đôi dép, không chú ý trái hay phải  ! 
Sư phụ tôi muốn dạy rằng: Phật tại nhà chính là Cha Mẹ ta, ta không lễ lạy kính trọng mà chỉ đi lo tìm nơi xa xôi để vái lạy  thì thật là không nên không phải. Phật đã dạy: làm Phật tử , chữ Hiếu là chữ đầu tiên phải học và giữ làm giềng mối cho mình.
Đây là bài học thật tâm đắc mà tôi không những ứng dụng cho mình mà còn dùng để nhắc nhở dạy dỗ con tôi.


3. “Bồ Tát sợ NHÂN , chúng sinh sợ  QUẢ“                                                                                                                                                                                                                                                                         
Tôi nhớ mãi câu chuyện trong lịch sử của Tây Tạng, một vị Lạt Ma đã chấp nhận tạo nhân sát sinh là dùng cung tên bắn chết một vị bạo chúa đương thời muốn tiêu diệt Phật giáo Tây Tạng bằng cách  giết chết bao nhiêu là tăng sỹ cũng như tín đồ Phật giáo Tây Tạng. Trong buổi học đó, chúng tôi đã cùng nhau bàn luận là  vị Lạt Ma có phạm giới sát sinh hay không ?
Câu trả lời là Ngài KHÔNG  phạm giới vì ngài đã làm việc này với cái tâm Bồ Tát là cần phải sát sinh một người ác để cứu vạn người khác, nhưng ngài chắc chắn phải trả cái QUẢ do cái NHÂN sát sinh mà ngài đã tạo ra. Là người thọ giới Bồ Tát, hành Bồ Tát đạo , ngài đã quên mình và vì  muôn loài , chấp nhận trả cái QUẢ NGHIỆP này, cũng như bao chư vị Bồ Tát mà ta thường đọc thấy trong kinh Phật dạy, vì chúng sinh muôn loài phát ra những ĐẠI NGUYỆN : ngài Quán Thế Âm, ngài Địa T ạng, ngài Phổ Hiền , v.v…


4. Trong một buổi giảng về các bài Kệ Chuyển hóa tâm của ngài Geshe Langir Thangpa (mục đích tu tập Tâm Từ Bi), tôi thật vô cùng bái phục. Gồm tám bài kệ  nhưng tôi thú thật , tôi không cách gì tu tập theo nổi. Tôi chỉ ráng mỗi một  điều là trong mọi hoàn cảnh , tôi cố gắng phân tách kỹ và nếu mình thật sự có lỗi, tôi hoàn toàn nhận lỗi và sửa đổi sai lầm , còn ngược lại , tôi cho chuyện trôi đi, không DÍNH vào tâm mình nữa.

5. Một lần sang Mỹ, người bạn tôi chở tôi đi viếng một ngôi chùa , nằm xa trên núi. Chùa chỉ có một vị Tăng.  Đây là một thiền viện với cảnh trí thiên nhiên bao bọc. Thầy trụ trì một thân một mình và sống một đời sống rất đơn giản, không hình thức gò bó,  làm cho người Phật tử phương xa như tôi đầy cảm kích. Thầy có một hậu liêu là một căn phòng nhỏ ngay sau chánh điện thờ Phật với một ghế 3 chỗ ngồi tiếp khách,  kế bên đó là một sạp gụ trải chiếu tatami kiểu Nhật , bên trên ch
ồng  thêm  một cái bàn thấp.  Đó là nơi làm việc,  nơi dùng trai và cũng là nơi ngồi thiền hay chỉ tịnh...  Ngay trên vách tường treo một bức tranh lớn vẽ một vòng tròn mà chúng ta thường thấy ở các thiền đường.
Tôi có hỏi Thầy, bức tranh đó có ý nghĩa gì? Thầy nở nụ cười hiền hoà và trả lời, phải  tu sao cho đạt tới cái KHÔNG này .
Thấy Thầy cởi mở, tôi đánh bạo hỏi thêm về cái KHÔNG của đạo Phật, vì tôi học, đọc cũng nhiều , nhưng vẫn chưa bể cái nghĩa này.
Lạ lùng thay, chỉ với một câu ngắn của Thầy mà tôi thấy mình ngộ được cái điều mà bấy lâu nay mình ấp ủ  


" Tất cả những việc xảy ra , chúng ta đều hiểu rõ, đều nhận biết , nhưng nhớ là đừng để mình DÍNH vào nó.  Đó là cái KHÔNG!"

Và đây là cái then chốt
của vấn đề liên quan tới bài giảng của HT Thích Thanh Từ.
Người bạn gửi cho tôi, đúng ra bạn này rất thường hay gửi cho tôi những bài giảng loại này , mục đích chắc hẳn khuyên tôi nên Xả, nên bỏ qua những mâu thuẫn giữa cá nhân tôi và một vài cá nhân trong nhóm bạn chúng tôi.
HT dạy rất đúng, không nên Chấp, nên Xả để tâm bình an, để lòng không vướng bận, để đạt tới cái Định và sẽ sinh Huệ.
Nhưng tôi tự suy nghĩ, thấy là  mình đâu có Chấp, tôi nhận thức rõ là tư tưởng,  lối hành xử và thái độ chính trị của một số người KHÔNG hợp với con đường tôi đi, nên  tôi xa rời họ. Tôi hoàn toàn KHÔNG GIẬN  họ, tôi KHÔNG CHẤP họ và tôi KHÔNG để thất tình lục dục DÍNH với họ. Như vậy , tôi không rõ mình có lý không ? Vì tôi thật sự thấy TÂM tôi vô cùng bình an . hạnh phúc , không vướng bận một chút chi nặng lòng với họ. Coi đó  là HUYỄN , là KHÔNG !
Chỉ có một điều, HT khuyên dạy , nhưng tôi thật chưa làm được là trong tôi còn TÂM PHÂN BIỆT quá lớn, phân biệt Cộng sản và Quốc gia, phân biệt người theo bưng bợ  Cộng sản với những chiêu bài gian trá để bào chữa cho việc làm của mình. Đối với họ tôi không giận mà tôi không để họ DÍNH vào tâm não của tôi.

Một người Phật tử , yêu tổ quốc và bảo vệ chính nghĩa, giữ đúng con đường Bát Chính Đạo theo lời Phật dạy thì có sai lầm khi cương quyết chống lại những tà kiến. Như vậy có gọi là CHẤP hay không ?

Đêm Giáng sinh 24.12.2010,
LNTH


Tài liệu đính kèm

Bát Chính Đạo

1/ Chánh kiến : hiểu biết chân chánh .
2/ Chánh tư duy : tư tưởng chân chánh .
3/ Chánh ngữ : lời nói chân chánh .
4/ Chánh nghiệp : hoạt động thân thể một cách chân chánh .
5/ Chánh mạng : nuôi mạng sống của mình bằng những nghề chân chánh .
6/ Chánh tinh tấn : siêng năng làm những việc chân chánh .
7/ Chánh niệm : nhớ những điều chân chánh .
8/ Chánh định : thiền định, chú tâm một cách chân chánh .


Tám Bài Kệ Chuyển Hóa Tâm
Geshe Langir Thangpa

1.    Với quyết tâm thành tựu
Lợi lạc lớn lao nhất
Nhờ tất cả chúng sinh,
Tôi nguyện luôn giữ gìn
Chúng sinh trong đáy tim,
Vì chúng sinh quí hơn
Cả bảo châu như ý.

2. Khi gặp gỡ tiếp xúc
Với bất kỳ một ai,
Nguyện tôi luôn thấy mình
Là kẻ thấp kém nhất,
Từ đáy lòng chân thật
Luôn tôn kính mọi người
Như kính bậc tối cao.

3. Nguyện trong từng hành động
Tôi luôn tự xét mình,
Phiền não vừa dấy lên,
Ðe dọa mình và người,
Nguyện tức thì nhận diện,
Và tức thì dẹp tan.

4. Khi gặp người hiểm ác
Vì bị tâm phiền não
Và ác nghiệp tác động,
Nguyện tôi quí người ấy
Như vừa tìm ra được
Kho tàng trân quí nhất.

5. Khi gặp người vì lòng
Ganh ghen và đố kỵ
Miệt thị phỉ báng tôi,
Nguyện tôi nhận phần thua,
Nhường đi mọi phần thắng.

6. Khi gặp người mà tôi
Giúp đỡ, đặt kỳ vọng,
Lại vong ân bội nghĩa
Gây tổn hại cho tôi,
Nguyện tôi xem người ấy
Là một đấng tôn sư.

7. Tóm lại tôi xin nguyện
Trực tiếp và gián tiếp
Trao tặng mọi lợi lạc
Cho tất cả chúng sinh
Ðều là mẹ của tôi
Từ vô lượng kiếp trước.
Nguyện [không đợi ai cầu
Vẫn] âm thầm gánh chịu
Mọi ác nghiệp khổ não
Thay thế cho chúng sinh.

8. Nguyện những điều nói trên
Không bị vướng ô nhiễm
Bởi tám ngọn gió chướng.
Nguyện tôi thấy mọi sự
Hiện ra trong cõi đời
Ðều chỉ như huyễn mộng
Cho tâm thôi chấp bám
Thoát ràng buộc luân hồi.

Bức Tranh treo tại Thiền Viện Liểu Quán (California)



MỘT CHỮ XẢ
Thích Thanh Từ


Vấn đề tôi nói hôm nay là một chữ XẢ. Quí vị biết ngược với xả là gì không? Là cố chấp, nắm chặt. Cố là chặt, chấp là nắm; cố chấp là nắm chặt. Khác với nắm chặt là buông bỏ.
Mới nghe đơn giản quá nhưng xét kỹ, quí Phật tử sẽ thấy tất cả chúng ta sống trên thế gian này, ai cũng than buồn than khổ, gốc tại cố chấp thôi, chớ không có gì khác. Bây giờ muốn hết buồn, hết khổ thì chúng ta phải làm sao? Phải xả, phải buông bỏ. Buông bỏ thì hết khổ.. Như vậy quá giản đơn, quá tầm thường. Chỉ cần quí Phật tử thực hiện được điều chúng tôi nhắc thì sẽ bớt khổ ngay trong cuộc sống hiện tại này.

Lâu nay chúng ta cố chấp những gì mà bây giờ phải buông xả?

Người thế gian luôn luôn nghĩ ai làm trái ý mình thì mình buồn, mình giận. Buồn giận nên bỏ liền hay nên giữ mãi? Có người thường hay nói: “Con giận người đó hai, ba chục năm không quên.” Giận hai, ba chục năm không quên thì nghe như khẳng khái lắm nhưng thật ra là dại, là khổ, chớ có hay gì đâu.
Quí Phật tử nghĩ trên thế gian này chung quanh mình nào xóm giềng, thân tộc v.v… có bao giờ hoàn toàn không đụng chạm nhau đâu? Người ta nói vợ chồng như chén trong sống. Chén úp trong sống thế nào cũng có khua, huống là xóm giềng, thân tộc làm sao vừa ý mình hết, mà trái ý thì mình giận. Giận rồi chứa trong tâm. Chứa là cố chấp. Giận một người chứa trong lòng, giận hai người cũng chứa trong lòng. Nếu giận một trăm người thì sao? Chứa cả một trăm cái giận trong lòng, làm sao chịu nổi.
Quí vị xét khi mình đang vui vẻ mà bỗng nhớ tới người mình giận thì lúc đó gương mặt quạu xuống liền. Sở dĩ chúng ta ngủ không ngon là cũng tại giận đó. Khi nào nằm nhớ lại hôm qua, hôm kia ai làm trái ý mình liền nổi giận lên, thì hết ngủ. Đó là chứa chấp oán hờn. Chứa chấp là khổ. Ta đang vui vẻ tươi mát mà chứa một cái giận, cũng như đem cục than bỏ trong tay hay trong da, trong thịt mình vậy.
Nếu cục than bỏ trong tay, trong da, trong thịt thì sao? Nóng, khó chịu. Vậy mà lòng mình chứa một trăm cục than thì người này khổ nhiều ít? Khổ thứ nhất là khô héo vì ngủ không ngon, ăn không ngon. Giận quá làm sao ăn ngon, ngủ ngon được. Khổ thứ hai là giận làm cho mình dễ xấu. Quí vị thấy mỗi lần nổi giận lên gương mặt mình thế nào? Nổi giận lên thì con mắt đỏ ngầu, mặt đổi màu đổi sắc, không còn tốt đẹp nữa. Cả trăm cái giận ở trong lòng thì nó đốt riết mình khô héo, xấu xa. Như vậy ôm ấp cái giận mấy chục năm là khôn ngoan hay thiếu khôn ngoan?
Bởi vậy nên người biết tu ai nói gì trái ý, mình giận chút rồi bỏ đi, xả đi. Giận làm chi, ngu! Ôm cái giận là ngu chớ không phải khôn, tội gì ôm cho khổ. Trong nhà Phật có câu: “Tăng hận bất cách túc” nghĩa là Tăng (người tu) giận không quá một đêm. Chúng ta là Phàm tăng nên tham sân si cũng còn, vì vậy gặp việc trái ý cũng giận. Nhưng giận chút thôi rồi bỏ, chớ không nên chấp chứa.
Người thế gian thường thích chứa, chứa năm này qua năm nọ. Họ tưởng như vậy là hay, là khôn mà không ngờ đó là tự chuốc họa vào mình, tự đeo khổ cho mình chớ không có lợi gì hết. Vì vậy nên Phật dạy phải xả hết những giận hờn. Chứa chấp vừa bị khổ trong hiện tại, mà còn khổ cả vị lai nữa.
Trong kinh Phật dạy, người khi sắp bỏ thân này qua đời khác thì nghiệp thương và nghiệp ghét sẽ đi theo. Bởi vì thương ai thì ta nhớ người đó, ghét ai cũng nhớ kẻ đó. Như chúng ta ngồi ôn lại trong lòng, thì nhớ những người mình thương và những người mình ghét nhiều nhất phải không? Ghét không mất, thương cũng không mất. Vì vậy càng chứa sâu thì khi nhắm mắt các nghiệp đó dẫn mình đi đến chỗ thương hoặc chỗ ghét.
Do đó khi chúng ta thọ thân sau, nếu ôm ấp nghiệp ghét nhiều quá thì đến những gia đình gặp toàn chuyện buồn phiền, hờn giận, không vui. Có bao giờ chúng ta muốn gặp những người mình ghét không? Không muốn. Ai cũng muốn gặp người mình thương. Nhưng trong lòng thù oán nhiều quá thì nó sẽ dẫn mình gặp lại những người thù oán. Nên hiện tại khổ mà vị lai cũng khổ luôn. Điều này rất thiết yếu.
Chúng ta phải khéo đừng nuôi dưỡng oán thù trong lòng, nên buông bỏ hết. Cái gì qua rồi không chứa chấp nữa. Hơn thua, phải quấy, chuyện đó không có gì quan trọng. Quan trọng ở chỗ làm sao cuộc sống mình bình an, thanh thản, tươi vui. Đó mới là điều đáng lưu tâm. Chúng ta sống muốn hạnh phúc, muốn được an lạc thì nên giữ hay nên xả? Nên xả.. Vì vậy tôi nói tu muốn cho hết khổ thì phải xả, đừng chứa chấp. Đó là điều thứ hai.
Điều thứ ba, chúng ta đừng cố chấp ý kiến mình là đúng, ý kiến người khác là sai. Bởi vì ở thế gian này không có gì là đúng cố định mà cũng không có gì là sai cố định. Chúng ta mở miệng nói với ai cũng “Tôi nghĩ thế này là đúng”. Nếu nói tôi nghĩ như vậy là đúng, người thứ hai nói tôi nghĩ thế khác mới đúng, thì hai cái đúng nó đụng nhau. Mình đúng theo cái nghĩ của mình, người khác đúng theo cái nghĩ của họ. Ai cũng đúng hết thì cãi lộn hay huề? Thế gian không ai chịu thua ai, mình đúng thì người khác sai, mà người khác đúng thì mình sai. Cho nên khi người ta nghĩ khác với mình, mà họ cho rằng họ đúng thì mình bực lên liền, và người kia cũng nổi tức vậy. Hai cái nổi tức sẽ đi đến khẩu chiến. Khẩu chiến không xong thì tới thân chiến.
  Như vậy chỉ một chữ Xả mà chúng ta được an ổn vui tươi. Cần gì phải nhiều. Một chữ mà biết tu là cả cuộc đời sống thoải mái, an vui. Ngược lại quí vị sẽ thấy mặt mày nhăn nhó hoài, bất mãn cái này, bất mãn cái nọ, bất mãn con cái, bất mãn vợ chồng, bất mãn xã hội… Mấy chục năm cứ nhăn nhó hoài, uổng một cuộc đời. Cho nên mình phải vui tươi xả bỏ, có mấy mươi năm ngắn ngủi, sống làm sao cho thảnh thơi, tạo phước lành để khi nhắm mắt được đến cõi lành, ở đó mà buồn giận làm chi cho khổ.
Vậy mong quí Phật tử nghe hiểu, ứng dụng tu để tất cả chúng ta sống trên thế gian này lúc nào cũng tươi cười, không còn buồn bực. Đến lúc nhắm mắt ra đi chúng ta cũng vui luôn. Đó là kết quả tốt đẹp của người Phật tử khéo tu.